1. Giới thiệu sơ lược
Buôn Ma Thuột là thành phố trực thuộc tỉnh Đắk Lắk, là thành phố lớn nhất của vùng Tây Nguyên và là một đô thị miền núi có dân số lớn nhất Việt Nam. Thành phố được phân ra là 3 khu: trung tâm, cận trung tâm và ven nội. Đóng vai trò là điểm du lịch chủ chốt của Đắk Lắk, thành phố này thhus hút rất nhiều khách du lịch hằng năm bởi nét hoang sơ quyến rũ cùng phong cảnh núi rừng vùng vĩ.
Pleiku thủ phủ của tỉnh Gia Lai, là thành phố lớn thứ 3 và cũng là đô thị quan trọng nhất của vùng Bắc Tây Nguyên. Pleiku nổi tiếng bởi cảnh hồ thơ mộng, vẻ cổ kính của những di tích lâu đời cfung với màu sắc văn hóa phong phú của các lễ hội dân tộc độc đáo.
2. Nên đi vào mùa nào
Hầu hết các tỉnh ở Tây Nguyên đều có thời tiết hai mùa mưa nắng rõ rệt. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10. Do khí hậu ở đây tương đối dễ chịu nên bạn có thể đến đây vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Nhưng lý tưởng nhất là vào tháng 11, 12; thời tiết mát mẻ, không mưa; lúa chín vàng trên các nương đồi, hoa dã quỳ nở vàng rực các nẻo đường cũng làm cho núi rừng Tây Nguyên rực rỡ hơn. Đây cũng là thời điểm các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc diễn ra. Những lễ hội này thường kéo dài từ cuối năm trước cho đến tháng ba năm sau tùy vào từng làng, từng khu vực trong tỉnh. Ngoài ra, tháng 3 cũng là thời điểm tuyệt vời để có thể ngắm hoa cà phê nở hay xem những chú nhộng đáng yêu hóa thành bướm vàng bay đầy trời.
3. Cách đi đến đây
Buôn Ma Thuột
- Máy bay : Bạn có thể chọn đường bay thẳng của Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar. Từ đầu Sài Gòn giá khoảng 1-1,5 triệu (khứ hồi) thời gian bay tầm 1h. Từ đầu Hà Nội giá 2-3 triệu (khứ hồi) ) thời gian bay là 1h40. Sân bay cách trung tâm thành phố khoảng 15 km, có nhiều taxi nên bạn không phải lo lắng về chuyện di chuyển.
- Xe đò : nếu đi xe đò, bạn sẽ mất khoảng 7-8h để đến nơi, vé xe có thể mua tại bến xe Miền Đông (Sài Gòn) với giá khoảng 200,000 – 240,000 đồng/chiều với nhiều chuyến trong ngày. Bạn có thể chọn chuyến muộn lúc 22h để tận dụng giấc ngủ đêm trên xe và không lãng phí thời gian tham quan thành phố.
Buôn Ma Thuột – Pleiku
Từ Thành phố Buôn Ma Thuột, bạn có thể đặt vé xe để đến Pleiku. Bến xe ở vị trí gần ngay trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột nên việc di chuyển đi cũng khá tiện giá dao động tầm 150,000 – 200,000 đồng/chiều. Ngoài ra nếu có xe riêng bạn có thể di chuyển từ quốc lộ 14 đi khoảng 110 km nữa là đến địa phận tỉnh Gia Lai. Từ địa phận này, bạn vẫn tiếp tục theo quốc lộ 14, chỉ cần đi khoảng 65 km nữa là đến được thành phố Pleiku.
4. Gợi ý một số khách sạn tiêu biểu
Buôn Ma Thuột
-Khách sạn Dakruco: Dakruco Hotel là khách sạn 4 sao, mang đậm vẻ đẹp của bạt ngàn cao su, cà phê và âm thanh của cồng chiêng Tây Nguyên. Nằm trên một khuôn viên khá lớn, các phòng ở Dakruco được bài trí và thiết kế theo phong cách hiện đại thanh lịch.
Địa chỉ: 30 Nguyễn Chí Thanh, Tân Lập, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
Giá tham khảo : 800,000 đồng/đêm
-Sài Gòn - Ban Mê: Đây cũng là một nơi được nhiều du khách lựa chon do nằm gần trung tâm thành phố. Ở đây khác gần chợ và bảo tàng nên rất thuận tiện đê rmua sắm và tham quan. Các nhà hàng trong khuôn viên khách sạn phục vụ các món ăn Châu Á và phương Tây rất đa dạng và phong phú.
Địa chỉ: 3 Phan Chu Trinh, Thắng Lợi, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
Giá tham khảo: 1,200,000 đồng/đêm
- Mường Thanh Buôn Ma Thuột: thuộc chuỗi hệ thống khách sạn Mường Thanh, có thể xem đây là khách sạn đẹp nhất ở Buôn Ma Thuột. Khách sạn có hồ bơi ngoài trời và tầm nhìn rộng toàn thàng phố cùng hệ thống sân chơi thể thao rộng lớn.
Địa chỉ: 81 Nguyễn Tất Thành, Tân An, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
Giá tham khảo: 1,400,000 đồng/đêm
Pleiku
-Hoàng Anh Gia Lai: là khách sạn 4 sao nằm ở vị trí đẹp và có nhiều dịch vụ nghỉ dưỡng chuyên nghiệp. Các phòng đều có diện tích rộng rãi, tiện nghi đầy đủ và được thiết kế sang trọng. Tại đây cung cấp các dịch vụ như tắm hơi, spa, phòng gym, sân tennis,… và cả quán bar.
Địa chỉ: 1 Phù Đổng, Thành phố Pleiku, Gia Lai
Giá tham khảo: 750000 đồng/đêm
- Green Bamboo – Tre Xanh Plaza Hotel: khách sạn 3 sao tiện nghi, có mức giá hợp túi tiền và nằm trong trung tâm nên rất thuận lợi cho bạn đi ăn uống, vui chơi xung quanh thành phố. Trong mỗi phòng đều có trang bị đầy đủ tivi màn hình phẳng, tủ lạnh, máy điều hòa, bàn trang điểm để bạn tận hưởng những giây phút nghỉ ngơi thoải mái nhất.
Địa chỉ: Số 18, Lê Lai, Thành phố Pleiku, Gia Lai
Giá phòng: 950,000 đồng/đêm
- Hoàng Ngọc: là khách sạn giá rẻ, tiện nghi ở trung tâm thành phố có chất lượng 2 sao, chỉ cách sân bay Pleiku khoảng 6km, xung quanh có nhiều nhà hàng, quán ăn ngon khá tiện lợi.
Địa chỉ: 69 Tăng Bạt Hổ, Thành phố Pleiku, Gia Lai
Giá phòng: 550,000 đồng/đêm
5. Điểm tham quan nổi bật
Buôn Ma Thuột
Cụm thác Gia Long, Dray Nur, Dray Sap
Đây được xem là một kỳ quan thiên nhiên tuyệt đjep do mẹ thiên nhiên ban tặng cho núi rừng Buôn Ma Thuột. Dray Nur còn có tên thông tục là thác Vợ nằm ngay cạnh thác Dray Sap (hay còn gọi là thác Chồng). Thác Gia Long còn có tên khác là thác Dray Sáp thượng vì có vị trí liền kề thác Đray Sáp về phía thượng nguồn. Đi từ xa có thể nghe thấy tiếng nuwosc đổ ầm ầm như một bản nhạc du dương của đại ngàn; khi đến gần du khách sẽ như vỡ òa bởi độ cao sừng sững cùng những dòng nước trắng xóa không ngừng đổ xuống cuồn cuộn, từng tia nước bắn tung tóe gặp ánh sáng mặt trời lại hóa lấp lánh tựa như một vì sao.
Vườn quốc gia Yok Đôn
Vườn Quốc gia Yok Đôn nằm trên địa bàn 3 huyện: huyện Buôn Đôn, huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) và huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông). Yok Đôn được coi là một trong những khu rừng đặc dụng có diện tích lớn nhất Việt Nam, nằm trên một vùng tương đối bằng phẳng, với hai ngọn núi nhỏ ở phía Nam của sông Serepok. Ở đây chủ yếu là rừng tự nhiên và cũng là vườn quốc gia duy nhất ở Việt Nam bảo tồn loại rừng rừng khộp (rừng thưa lá rộng) đặc biệt. Khi đến đây bạn sẽ được tận hưởng các loại hình du lịch sinh thái đặc trưng như cưỡi voi, đi bộ, xe đạp địa hình thám hiểm các cánh rừng nguyên sinh hay đi thuyền độc mộc thả mình theo dòng Serepok thơ mộng. Ngoài ra, vào ban đêm, bạn còn có thể đi xem hoạt động các loài thú hoang dã ăn đêm.
Làng cà phê Trung Nguyên
Không chỉ là địa điểm mua cà phê nổi tiếng mà làng cà phê trung nguyên còn được thiết kế như một công viên thu nhỏ. Các khu tiểu cảnh được thiết kế đẹp mắt, hoành tráng như các thác nước lớn, cầu, suối, ao hồ, nhà sàn… lý tưởng cho các tín đồ của nghệ thuật nhiếp ảnh. Đăc biệt, ở đây có một khu bảo tàng trưng bày các nhạc cụ, cồng, chiêng cùng những vật dụng sinh hoạt của các đồng bào thiểu số nên cũng là một nơi hoàn hảo để bạn tìm hiểu về lối sống hay nết đẹp văn hóa dân tộc.
Bản Đôn
Là một địa danh nổi tiếng của Việt Nam, Bản Đôn còn được biết đến như một nơi có truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Ở đây sỡ hữu những thắng cảnh tuyệt đẹp vô cùng thích hợp cho những chuyến du lịch sinh thái. Những điểm đến nổi bật thường nằm tập trung ở các khu vực như trong các bãi sông, thác Bảy nhánh, du lịch Cầu treo, hồ Đức Minh, nhà sàn cổ, mộ vua voi,... Đặc biệt là bản sắc dân tộc của các buôn làng ở đây vẫn còn giữ được các nét nguyên sơ và huyền thoại về Vua Voi thiêng liêng.
Pleiku
Biển Hồ (hồ T’Nưng)
Đi cả vào trong những câu hát và được mệnh danh là đôi mắt của Pleiku, biển Hồ đầy đã phản chiếu hình ảnh thành phố xinh đẹp thơ mộng nhất khu vực Tây Nguyên này. Vào những ngày đẹp trời, nhìn từ xa Biển Hồ thu hút ánh mắt của khách du lịch bởi màu xanh mát lành của nước biển, tiếng gió rì rào thoảng qua nhẹ nhàng như điệu nhạc du dương trầm bổng một khi đã nghe là khó lòng quên được. Ngoài việc là hồ nước ngọt quan trọng cấp nước cho thành phố Pleiku, Biển Hồ là nơi ẩn náu lý tưởng của các loài chim như bói cá, kơ túc, kơ vông, trắc la,… bởi quy thụ đủ loại cá nước ngọt như cá chép, cá trắm, cá trôi,… cũng như những thuỷ sản sống lâu năm trong hồ.
Chùa Minh Thành
Nằm cách Pleiku 12km, chùa Minh Thành thu hút với lối kiến trúc hoài cổ ảnh hưởng từ phong cách Trung Hoa, không gian thanh tịnh và đã trở thành điểm dừng chân rất nhiều du khách. Từ xa bạn đã có thể chiêm ngưỡng bảo tháp xá lợi cao 9 tầng, phía bên trong khuôn viên là tượng Phật Di Đà uy nghiêm. Chánh điện chùa cao tới 16m, được làm bằng gỗ pơ mu rất bền và chắc. Sân chùa được trang trí bằng những tiểu cảnh, hồ nước, cây xanh tạo nên một bức tranh hài hòa, tươi mát.Khi tới đây, bạn sẽ được cảm nhận một không khí thanh bình, tĩnh lặng, khác xa cái ồn ào của thành thị.
Núi Hàm Rồng
Nóc nhà của Pleiku, Núi Hàm Rồng là một ngọn núi lửa không hoạt động từ lâu và là mảnh đất tươi tốt cho các hoa màu cùng những cánh rừng thông xanh bát ngát. Vào sáng tinh mơ, nếu có dịp đứng trên đỉnh núi bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hiếm có chốn tiến cảnh: mây bay ngang đầu, sương mù lẩn khuất ở phía dưới tạo lên một bức tranh sơn thủy hữu tình khó nơi đâu có được. Nếu nhìn từ dưới lên, ngọn núi như một chiếc bát úp ngược, nhưng càng lên cao thì miệng núi như một lòng chảo ôm gọn vào lòng những thửa ruộng ngô, khoai,.. màu mỡ tươi tốt.
6. Món ăn đặc sản
Buôn Ma Thuột
Cơm lam và gà sa lửa
Là hai món ăn nổi tiếng của người đồng bào ở Bản Đôn. Những ống cơm được nấu bằng loại gạo nếp nương hạt nhỏ, thuôn dài, khi nấu với ống tre, nứa nên mang hương vị của núi rừng. Mùi thơm của gạo quyện với mùi thanh của tre nứa rất khó tả nhưng rất đặc trưng. Nguyên liệu làm gà sa lửa là gà rừng. Gà làm sạch, ướp gia vị cho thấm rồi đem nướng. Người ta sẽ dùng thanh tre tươi kẹp lại, thay vì dùng vỉ nướng. Trong quá trình nướng trên than, gà phải được trở đều tay để gà chín cả trong lẫn ngoài. Vị thơm ngon của gà sa lửa kết hợp cùng cơm lam trắng dẻo sẽ là một sự kết hợp hoàn hảo khiến bạn không thể chối từ.
Bún đỏ
Là một món ăn đặc trưng của ẩm thực đường phố Ban Mê Thuột, tên gọi của bún đỏ bắt nguồn từ màu đỏ đặc trưng của nước dùng. Sợi bún đỏ to gần bằng chiếc đũa, nước lèo được nấu từ xương hầm, riêu cua được làm thịt cua đồng, thịt ba chỉ, tôm khô bằm nhỏ. Điểm độc đáo nhất chính là những gam màu thật bắt mắt và hấp dẫn của món ăn, bí quyết của màu nước lèo ấn tượng này được người bán hàng bật mí là sự hòa trộn của hạt điều đỏ và gạch cua. Một tô bún nóng hổi đầy ắp bên trên mặt là gạch cua, trứng cút, một ít tóp mỡ, thêm một chút mắm tôm, ớt xay và rau cần trụng trong một buổi tối se lạnh đặc trưng cao nguyên sẽ là điều tuyệt vời nhất mà bạn có thể cảm nhận.
Bún giò chìa
Hay còn gọi là bún chìa, có nước dùng khá giống với bún bò Huế. Khác biệt lớn nhất là ở phần nguyên liệu, thay vì sử dụng thịt bò, người dân vùng cao nguyên này sử dụng phần tảng thịt phía chân sau của con lợn. Thịt được chọn đem về rửa sạch, sau đó ninh cho chín nhừ trong nồi nước dùng, tiếp đó vớt ra để nguội. Món giò dai giòn, béo béo sẽ mang đến cho bạn một trải nghiệm khá thú vị.
Cá lăng
Đến Buôn Ma Thuột, du khách khó có thể bỏ qua món cá đặc sản của dòng sông Serepork hùng vĩ. Đây là món ăn ngon miệng và có tác dụng giải nhiệt rất tốt trong những ngày nắng. Cá lăng thịt rắn chắc, thơm ngon và có một vị béo đăc trưng nên rất được nhiều người yêu thích. Từ nguyên liệu này ta có thể chế biến thành các món: om chuối, nấu lẩu, canh chua,… có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Ngoài ra, món cá lăng nướng cũng rất hấp dẫn bởi màu vàng cánh gián, dậy lên hương thơm quyến rũ đặc trưng nơi núi rừng.
Pleiku
Phở khô
Phở khô với vị khác lạ miệng, với nét đặc trưng 1 tô phở đi kèm với 1 tô nước dùng đã tạo nên nét đặc sắc khó có thể không thử. Chỉ có Phở Khô Gà người ta mới bày thịt hoặc lòng gà xé hay xắt nhỏ lên bánh phở, còn nếu dọn với thịt bò tái, xương heo, bò viên thì các thành phần này nằm trong tô thứ hai. Dưới lên trên cùng là nước béo lẫn với thịt heo bằm nhỏ hoặc tóp mỡ, thế là xong tô thứ nhất.Tô thứ hai để đựng nước lèo được ninh từ xương gà, xương bò, lửa riu riu, hớt bọt kỹ bảo đảm để nước trong, chỉ nêm nếm với muối và bột ngọt, không có một loại gia vị nào nữa. Nghe không cũng đã đủ nhuốt nước miếng, khi có dịp tới đây hãy thử luôn một bát để thỏa nỗi mong đợi để cảm nhận sự tinh hoa của ẩm thực phố núi Pleiku.
Bún Mắm Cua
Với vị nồng của nước mắm, vị ngọt từ thịt cua và ba chỉ đây là một món ăn đậm đà không một thực khách nào cõ thể cưỡng lại. Một bát bún ngon được chế biến hết sức kì công, với rất nhiều nguyên liệu và bàn tay tài hoa của người đầu bếp nơi đây. Hương vị đầu tiên khi thưởng thức là cảm giác nồng nàn của nước mắm nguyên chất và nước cua lên men tỏa ra ngây ngất. Sau đó là vị mặn kết hợp sự ngọt ngào vương vấn nơi đầu lưỡi, tất cả tạo nên món ăn dân dã đặc trưng phố núi.
Lụi nướng
Lụi nướng là thịt nướng trên bếp than hồng, vào những ngày đông se lạnh, vỏ bánh tráng của lụi càng trở nên giòn tan. Thịt xay, nấm mèo được cuốn trong vỏ bánh cũng tự nhiên dậy mùi bởi lửa nóng khiến bụng người ta không khỏi cồn cào. Khi ăn lụi chấm với nước tương me hoặc tương đậu càng ăn càng ngon khiến bạn không thể kiềm lòng muốn thưởng thức thêm.
7. Lễ hội
Lễ đua voi
Đua voi là một trong những lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Tây Nguyên, thường tổ chức vào tháng 3, 2 mỗi năm Vì là cái nôi của việc săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nên lễ hội thường được tổ chức ở Bản Đôn. Những đàn voi từ các kéo về dự hội tại một sân đua rộng dài khoảng 400 – 500m, chiều rộng đủ cho 30 con voi đứng xếp hàng.
Đến giờ chuẩn bị vào cuộc đua, các quản tượng sẽ cho voi đứng xếp hàng ngay ngắn ở điểm xuất phát. Sau một hồi tù và cất lên các chú voi tiến thẳng về phía trước trong tiếng cồng chiêng và tiếng hò reo cổ vũ của mọi người. Cuộc đua được tiến hành dưới nhiều hình thức thi đấu như: voi chạy tốc độ, voi kéo cây, voi ném gỗ, voi bơi vượt sông, voi đá bóng,… Sau cuộc thi tất cả các vận động viên voi đều được thưởng rát nhiều thưc ăn ngon lành, riêng chú voi thắng cuộc sẽ được vinh dự đeo lên một chiếc vòng nguyệt quế.
Lễ hội cà phê
Lễ hội là dịp quảng bá thương hiệu, tôn vinh người trồng cà phê và khẳng định vị trí sản phẩm cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Lễ hội được tổ chức định kỳ hai năm một lần, mùa đầu tiên là vào năm 2005, nhằm quảng bá hình ảnh Vương quốc cà phê Buôn Ma Thuột và định kỳ hai năm một lần. Vì có vai trò gắn kết với sự phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên nên lễ hội cà phê đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là lễ hội cấp quốc gia. Bên cạnh các hoạt động trao đổi về quy trình, cách thức sản xuất và chế biến cà phê; còn có nhiều hoạt động hấp dẫn như: Hội chợ - triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm thương hiệu Việt, hội thi pha chế cà phê, hành trình du lịch cà phê,...
Lễ cúng hồn lúa Ê Đê
Đây là một lễ cúng mang tính gia đình nhưng cực kỳ quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân tộc Ê Đê với ước muốn mong các thần linh phù hộ cho lúa trổ bông đều, dài, đầy hạt và đạt năng suất cao. Để thực hiện nghi lễ này lễ vật cúng gồm 4 ché rượu cần, 2 con gà trong đó có 1 con gà lông trắng, 2 con heo. Thời gian tiến hành lễ cúng kéo dài trong 2 giờ. Khi mặt trời tắt hẳn, khi mọi người đã cso mặt đông đủ, thầy cúng bắt đầu làm nghi lễ đưa nữ gia chủ vào gian bếp và đọc những lời khấn nguyện tỏ lòng biết ơn đến các vị thần trong vùng, bên ngoài là những trai tráng thi nhau đánh chiên để giao tiếp với thần linh.
Lễ hội cồng chiêng
Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào ngày 25/11/2005. Lễ hội cồng chiêng hằng năm không chỉ là cách đế người dân giao lưu với thần linh, thông tin đến mọi người trong buôn làng, mà còn là vẻ đẹp tâm hồn của người Tây Nguyên đầy nhiệt huyết và khát vọng yêu cuộc sống. Ở Tây Nguyên, loại nhạc cụ này bao giờ cũng có bộ, mỗi dân tộc sẽ có một bộ chiêng khác nhau, tỷ như dàn chiêng Ê đê có từ 7-10 chiếc. Mỗi một tiết tấu âm thanh sẽ tượng trưng cho một nghi lễ khách nhau, chỉ cần nghe âm điệu là biết ngay nơi đó có việc gì đang diễn ra. Chiêng bỏ mả chầm chậm như tiếc thương; chiêng đám cưới rộn ràng; chiêng cúng bái trang trọng ngân nga… Cồng chiêng từ lâu đã trở nên quá đỗi thân quen trong cuộc sống của đồng bào dân tộc.
8. Mua gì làm quà
Cà phê
Nhắc đến đặc sản Tây Nguyên, chúng ta không thể không kể đến món Cà phê lừng danh. Với diện tích đất đỏ bazan rộng lớn thiên nhiên đã ưu đãi cho miền đất này một loại cà phê mang hương vị đặc sắc rất riêng : mùi thơm nồng nàn vị đắng đặc trưng ngây ngất lòng người. Ngoài ra cà phê lại còn có nhiều công dụng tuyệt vời khach tỏng cuộc sống. Đây chính xác là món quà hảo hạng nhất mà bạn nên chọn làm quà ngày trở về.
Sản phẩm thổ cẩm
Vùng núi rừng ngút ngàn là nơi sinh sống của biết bao đồng bào dân tộc. Không chỉ thu hút vì sự thân thiện, hiếu khách; những sản phẩm thổ cẩm do họ làm ra cũng vô cùng đặc sắc và bền bỉ. Từng họa tiết tinh tế, phối hợp màu sắc hài hòa thể hiện một nét đẹp văn hoa không lẫn vào đâu được.
Mật ong hoa cà phê
Để có được những loại mật ong hảo hạng tất nhiên không đâu thích hợp hơn vùng núi rừng Tây Nguyên. Loại mật ong rừng có độ đặc quánh cao có nhiều dưỡng chất cùng công dụng trong cuộc sống hằng ngày như: ẩm thực, y hộc, thẩm mỹ,… Riêng loại mật ong hoa cà phê lại khá đặc biệt. Khi những cánh hoa cà phê trắng xóa bắt đầu hé nở khắp núi rừng cũng chính là thời điểm thích hợp để lấy loại mật này. Mật ong hoa cà phê có màu cánh gián, hương thơm dễ chịu, mật ngọt nhưng không quá gắt sẽ là món quà mang ý nghĩa sức khỏe và tinh thần bạn nên mua tặng người thân.
Rượu cần
Đặc trưng của nền văn hóa Tây Nguyên chính là rượu cần. Rượu cần có hương thơm, vị ngọt nhẹ, thanh được chế biến từ bột men hòa trộn cùng với cơm nếp nương nấu chín và các loại rễ cây rừng, đặc biệt khi uống sẽ không gây đau đầu. Để nấu được loại rượu cần ngon, đầu tiên, người ta phải rải đều trấu ra sàng, sau đó múc cơm nếp hương đã nấu chín trải đều lên trên, cuối cùng rắc lên một ít men. Trộn tất cả hỗn hợp trên cho đều tay rồi cho vào ghé (chum sành) rồi ủ kỹ. Khi uống lấy nước suối đổ thêm vào trong bình. Rượu cần được uống trực tiếp từ ché và ống hút làm từ cây tre hoặc trúc đã làm rỗng ruột.
Trang sức từ ngà, đá, gỗ
Khồng chỉ nổi tiếng với những sản phẩm dệt may, người dân miền núi cũng rất khéo tay vè khoản điêu khắc. Bjan có thể dễ dang nhận thấy những sản phẩm tinh xảo như vòng tay, lược, cài tóc,… làm từ gỗ hoặc ngà vô cùng tinh xảo. Chỉ là những hoa văn hay hình thù đơn giản nhưng trong đó lại thể hiện một tâm hồn đáng quý, sự miệt mài, tỉ mỉ để tạo ra một sản phẩm hoàn hảo đưa đến tay khách hàng.
9. Lưu ý
-Trái ngược với ăn uống, mua sắm ở Pleiku thường rất đắt đỏ. Những mặt hàng quần áo, thổ cẩm, các loại đặc sản… thường được bán với giá rất cao. Nếu muốn mua quà cho người thân, tốt nhất bạn nên nhờ người bản địa dẫn đi.
-Khi đi tham quan các làng của người dân tộc Tây Nguyên, bạn nên lưu ý những điều quan trọng như: cầu thang bước lên, vị trí ngồi trong bữa ăn, không xoa đầu trẻ nhỏ,…
- Khi tham dự vào một buổi uống rượu cần, một số nơi sẽ mời khách đầu tiên, tuy nhiên bạn phải mời già làng và chủ nhà uống trước.
- Hệ thống biển chỉ đường ở các khu vực Tây Nguyên nhiều khi gây nhầm lẫn cho mọi người nên khi rẽ vào đường ngang, các bạn nên hỏi thêm người dân.
-Nếu đi vào mùa mưa, các bạn nên tránh đi vào những khu vực suối, thác vì thời điểm này thác nước chảy xiết, đá trơn, đường mòn bùn đất, lầy lội, rất nguy hiểm cho việc di chuyển.
-Nên mang theo áo khoác mỏng vì sáng sớm và tối muộn ở đây khá lạnh.