Độ cuối thu, người người đều lần theo dấu Dã Quỳ dẫn lối vào Tây Nguyên, trở thành nét đặc trưng cho vùng đất này. Đó cũng là sự báo hiệu mùa mưa đã kết thúc, nhường chỗ cho những ngày tỏa nắng trên các thảm hoa vàng rực, sưởi ấm vùng cao nguyên.
LOÀI HOA CỦA SỰ SỐNG MÃNH LIỆT
Bước vào tháng 10 cũng là lúc nhưng cơn mưa nặng hạt kết thúc, người dân Tây Nguyên lại đón chào một mùa dã quỳ rực rỡ, xua tan sự u buồn, ảm đạm trước đó. Chẳng biết tự bao giờ, dã quỳ đã hiện hữu trong cuộc sống miền đất đỏ. Sắc vàng rực rỡ của những cánh hoa mộc mạc phủ đầy khắp nơi, trên những con đường mòn ngập nắng, những đồi chè xanh mướt mắt, hay len lỏi quanh một ngôi nhà nhỏ xinh, đâu đâu ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh dã quỳ, để rồi ngự trị trong lòng những ai đã đặt chân đến nơi đây một nỗi nhớ miên man về vùng đất đại ngàn Tây Nguyên.
Theo dấu Dã Quỳ dẫn lối vào Tây Nguyên, bạn sẽ cảm nhận nét tương đồng giữa hoa và tâm hồn con người nơi đây, đó chính là sự mộc mạc, dân dã và kiên cường vượt lên nghịch cảnh khó khăn. Trong thời tiết vùng cao lạnh lẽo, giữa núi rừng hoang sơ, mặt đất khô cằn sỏi đá, loài hoa này sống chắt chiu, âm thầm qua một năm rồi trỗi dậy bung nở đón đầu mùa đông khiến cho cả vùng cao bừng sáng. Có lẽ chính sự khắc nghiệt của nơi đây đã “tôi luyện” cho dã quỳ sự sống mãnh liệt ấy, mỗi năm chỉ tỏa nắng một lần nhưng rất hoành tráng, rất dữ dội khiến cho con người cũng “thán phục” trước vẻ đẹp hoang dại ấy.
“HOA NẮNG” GIỮA ĐẠI NGÀN TÂY NGUYÊN
Nếu ai đã từng có cơ hội băng qua những con đường đèo, chạy dọc suốt chiều dài miền đất của nắng và gió, sẽ cảm nhận được nét đẹp hoang dã, bạt ngàn của dã quỳ. Nhìn từ xa, bạn sẽ cảm tưởng như trước mặt là cả cánh rừng nhuộm một màu nắng tươi nguyên, trong trẻo gây nhớ thương khiến ai cũng muốn lưu giữ kỷ niệm này. Thời tiết của Tây Nguyên độ cuối năm khá lạnh, nhưng có lẽ sắc vàng quyến rũ của loài hoa này đã mang lại sự ấm áp giúp cho cảnh sắc nơi đây trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Dã quỳ hiện hữu trong từng khoảnh khắc của cuộc sống nơi núi rừng vùng cao. Hoa theo những vòng bánh xe đến trường. Hoa theo chân người ra chợ vào buổi sáng sớm. Hoa mọc trên đường phô diễn vẻ rực rỡ trong lòng thành phố. Hoa tạo thành từng khóm mọc dọc những lối đi quanh co ven sườn đồi. Sang thu, hoa bắt đầu nở vài nụ bé nhỏ, sau đó sẽ nở rộ trên một vùng trời rộng lớn, có những ngày nắng ấm áp chiếu sáng trên những nhành hoa, càng làm thắm thêm màu tươi của dã quỳ, đẹp đến ngỡ ngàng. Còn với những người con xa xứ, hoa rưng rưng niềm nhớ màu nắng quê nhà, hiện lên một thước phim ngắn về câu chuyện theo dấu “Dã Quỳ” dẫn lối vào Tây Nguyên.
Nếu khám phá cao nguyên vào sáng sớm, bạn sẽ như lạc vào xứ sở thần tiên. Ẩn hiện sau màn sương mờ ảo là những cánh hoa vàng lấp ló hư hư, thật thật vô cùng hữu tình. Thông thường, dã quỳ sẽ bắt đầu nở từ sáng sớm, vì vậy thời điểm chụp ảnh đẹp nhất là từ 8 giờ đến 10 giờ sáng, nếu trễ hơn ánh nắng sẽ làm hoa không còn tươi như vừa mới được hứng sương sớm nữa.
Những cung đường vàng quyến rũ mà bất cứ du khách nào cũng muốn được in dấu chân có thể kể đến như đường vào thác Đamb'ri, khu vực Hồ Tuyền Lâm, cầu Đại Ninh, đầu đường cao tốc hay sân bay Liên Khương, tất cả đều nằm ở tỉnh Lâm Đồng. Ngoài ra, ở Pleiku cũng có những điểm ngắm hoa tuyệt đẹp như cung đường vào Biển Hồ, đường Tô Vĩnh Diện, Lê Duẩn. Hãy đến với Tây Nguyên, thả hồn vào những cánh rừng dã quỳ, đi trên những cung đường nên thơ để mơ về miền đất thần tiên cổ tích.